Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Đến nay sau hơn 1 năm, việc thực hiện cam kết này đạt được những kết quả bước đầu ra sao và còn những việc gì cần làm trong thời gian tới?
TS Hà Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Phát triển carbon thấp – Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết: “Trong 1 năm vừa qua, Việt Nam đã quan tâm tới việc hoàn thiện các cơ chế chính sách – một trong bước đầu tiên quan trọng nhất trong việc triển khai cam kết của mình. Chúng ta đã ban hành Nghị định 06 quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01 phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về những giám sát liên quan đến biến đổi khí hậu; Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Ban hành chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Rà soát, cập nhật NDC 2022, trong đó có tính đến cam kết Net Zero của Việt Nam. và một số các văn bản liên quan khác.
Như vậy, về mặt cơ chế chính sách chúng ta đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý giúp triển khai thuận lợi cam kết của mình.
Thứ hai, về mặt nhận thức: trong suốt 1 năm vừa qua, Bộ TNMT cũng đã có những chương trình tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho nhiều tầng lớp, đối tượng người dân để tăng cường hiểu về vấn BĐKH và về những cam kết của Việt Nam tại COP26. Công tác tuyên truyền, tập huấn sẽ được tiếp tục duy trì trong những năm tới. Đây là những hoạt động và những kết quả rất đáng ghi nhận của Việt Nam chỉ sau 1 năm kể từ khi cam kết tại COP26.
Về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ông Hà Quang Anh cho biết: “Để thực hiện các quy định này, trước mắt DN cần nhận thức tốt về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ về mục tiêu Net Zero. Khi nhận thức tốt DN sẽ biến nhận thức thành hành động cụ thể. Hiện nay, ở Việt Nam có những DN và tập đoàn lớn đã sớm nhận thức được những vấn đề này nên đã có những định hướng, chiến lược rõ ràng trong việc giảm phát thải và trung hòa carbon cho doanh nghiệp mình. Tiếp đến, DN cần có kế hoạch về nguồn lực nhằm thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp của mình, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ và quản lý thực hiện các hoạt động này. Như vậy nguồn nhân lực được đào tạo cũng là vấn đề các doanh nghiệp cần phải quan tâm trong thời gian tới”.
“DN cũng cần chuẩn bị nguồn lực về tài chính, nguồn lực về khoa học – công nghệ, kỹ thuật để từng bước chuyển đổi sản xuẩt theo hướng phát triển carbon thấp đáp ứng yêu cầu về mặt thực tiễn trong thời gian tới”- ông Hà Quang Anh cho biết.