Việt Nam đang dần trở thành cái tên được các nhà đầu tư săn đón, đặc biệt là lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp đầu ngành.
Những ngày gần đây, thông tin về khả năng hai sản phẩm MacBook và Apple Watch sắp được sản xuất tại Việt Nam đang gây chú ý.
Nguồn tin từ Nikkei Asia cho biết, Apple đang đàm phán với một số nhà cung cấp để lần đầu tiên sản xuất máy tính MacBook và Apple Watch tại Việt Nam.
Việt Nam đã là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực cho công ty Mỹ.
Trang Business Times ngày 20/8 đưa tin: “Foxconn – nhà cung cấp của Apple đầu tư thêm 300 triệu USD vào Bắc Việt Nam”.
Bài báo cho biết: “Foxconn đã ký biên bản ghi nhớ 300 triệu USD với nhà phát triển Kinh Bắc City của Việt Nam để mở rộng cơ sở ở miền Bắc đất nước nhằm đa dạng hóa và đẩy mạnh sản xuất.”
Cùng chung nhận định về sự chuyển hướng đầu tư của các công ty công nghệ hàng đầu như Intel, Amkor, Hana Micron … từ Trung Quốc sang Việt Nam, báo The Print đưa tin: “Samsung đầu tư 3,3 tỷ USD vào Việt Nam cho linh kiện bán dẫn trong bối cảnh chiến tranh chip Mỹ – Trung”.
Theo đó, Samsung đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại tỉnh Thái Nguyên của Việt Nam vào tháng 7 năm 2023 và đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào lĩnh vực này. Samsung cũng hy vọng sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Hà Nội vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.
Nhiều tờ báo quốc tế tuần qua cũng phân tích, việc Việt Nam trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn là do 3 yếu tố: Thứ nhất, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính trị ổn định; thứ hai là giá nhân công cạnh tranh; thứ ba là vị trí địa lý thuận lợi với khả năng kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
“Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điều đó tạo ra một môi trường sản xuất khá thuận lợi. Samsung đang sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam, sản lượng rất đáng kể, chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất của tập đoàn toàn cầu”, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KorCham) tại Việt Nam, chia sẻ.
“Khoảng 20 năm trước, xuất khẩu điện tử chỉ chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ sau 20 năm, nhờ dòng vốn FDI ổn định, thị phần điện tử trong tổng xuất khẩu đã tăng lên 35%”, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng HSBC, cho biết.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng cả cơ sở sản xuất và kinh doanh tại đây. Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc phục hồi và phát triển hơn nữa sau đại dịch. Chính phủ cũng đang dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI, đây là động lực để chúng tôi tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam”, ông Robert Wu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Sharp Corporation, Nhật Bản cho biết.
“Điểm cạnh tranh của Việt Nam là tính toàn cầu. Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các nước, xem các mô hình hiệu quả trên thế giới rồi áp dụng theo cách riêng của mình. Đó là điều rất tốt. Nếu Việt Nam tiếp tục làm tốt điều đó và duy trì một hệ thống mở thì sẽ chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư và thậm chí là những nhà đầu tư lớn hơn”, Giáo sư David Dapice, chuyên gia kinh tế, Đại học Harvard, nhận xét.
@ Cafef