Mô hình giáo dục khai phóng – đào tạo con người toàn diện, được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục ĐH tại Việt Nam.
Đây là nội dung chính tại hội thảo “Giáo dục khai phóng – mô hình Hoa Kỳ” do Hội Hữu nghị Việt – Mỹ TP.HCM tổ chức sáng 4-8 tại TP.HCM. Các đại biểu tham gia đã trao đổi những ý tưởng cốt lõi của giáo dục khai phóng theo mô hình Hoa Kỳ và sự tương tác với giáo dục Việt Nam.
Học không phải để làm việc ngay
Bà Đàm Bích Thủy – Hiệu trưởng ĐH Fulbright Việt Nam, trường ĐH theo mô hình giáo dục khai phóng, cho biết các mô hình giáo dục khác dạy sinh viên kiến thức, kỹ năng để làm một công việc cụ thể. Còn giáo dục khai phóng có ba nguyên tắc: dạy cách học, học cách nghĩ và học cách sống.
Sinh viên năm nhất chưa cần trả lời câu hỏi ra trường sẽ làm gì, tránh cho sinh viên đưa ra quyết định khi mới bước qua tuổi 18. Trong hai năm tiếp theo, sinh viên được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau một cách tự chọn, không áp đặt để các em khám phá ra mình say mê điều gì, khát khao làm việc gì nhất để đưa ra quyết định.
Bà Thủy đưa ra ví dụ về một nghệ sĩ nổi tiếng tại Mỹ. Theo mong muốn của cha mẹ, cô này đăng ký học Luật. Nhưng sau ba năm học, cô lại nhận thấy không thích Luật và có cảm xúc đặc biệt với nghệ thuật, cô đã bỏ Luật, theo học nghệ thuật và hiện rất thành công.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Xuân Thảo – Trường ĐH Văn Lang, cho biết Hoa Kỳ có trên 4.500 trường ĐH trong đó có 230 trường theo mô hình giáo dục khai phóng.
Thống kê tại Mỹ cho thấy khoảng 20% sinh viên ra đời thành công xuất thân từ các ĐH khai phóng. Cứ 12 giám đốc điều hành thành công tại Mỹ có 1 người xuất thân từ ĐH khai phóng.
“Giáo dục ĐH của chúng ta hướng sinh viên vào một công việc cụ thể do đó dễ bị đào thải rất nhanh. Giáo dục khai phóng không hướng sinh viên viên vào công việc cụ thể ngay từ đầu mà cung cấp cho họ những kiến thức tổng quát rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cung cấp công cụ để họ khám phá bản thân, thế giới xung quanh để sau này họ có thể tiếp cận, chuyển đổi công việc linh hoạt, không bị lỗi thời”, ông Thảo nói thêm.
Phát triển giáo dục khai phóng tại Việt Nam
Từng tham gia một khóa học tại Việt Nam, ông Ken Liffiton – giám đốc điều hành công ty phân tích tài chính Andafin, đánh giá học ĐH tại Việt Nam và Hoa Kỳ rất khác nhau.
Theo ông, ở Mỹ, sinh viên phải đọc nhiều và hỏi nhiều trên lớp. Bài luận viết như những gì giảng viên đã nói sẽ bị điểm thấp.
Tại Việt Nam, hầu như trong giờ học chỉ có giảng viên nói, sinh viên không phát biểu gì. Bài kiểm tra, sinh viên phải đồng ý với quan điểm của giảng viên mới được điểm cao, phản biện lại chắc chắc điểm sẽ thấp.
Trong khi đó, TS Trần Xuân Thảo cho rằng giáo dục đại cương tại Việt Nam hiện nay và từng có hẳn trường ĐH Đại cương trước đây có thể xem là một phần của giáo dục khai phóng. Tuy nhiên cách thực hiện các môn học và mục đích thực hiện chưa hợp lý, không như giáo dục khai phóng.
“Nếu chỉ dạy một công việc cụ thể chẳng khác nào đem một chiến lược ra dạy để người học làm đúng chiến lược đó. Chúng ta phải dạy người học cách tư duy chiến lược để họ có thể đọc được các chiến lược khác”, ông Thảo nói.
Nói về sự tương tác giáo dục khai phóng với giáo dục Việt Nam, TS Trần Ngọc Châu – phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Mỹ TP.HCM, cho rằng giáo dục Việt Nam cần phải có cuộc cách mạng. Tại Việt Nam, giáo dục khai phóng sẽ là nền tảng cho thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo ông Châu, dạy con người một nghề chưa đủ mà phải được dạy để có một ý thức sống động về chân, thiện, mỹ, nếu không với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, người học chỉ giống một chuyên viên được huấn luyện tốt hơn là một người được phát triển hài hòa.